Tay chân bị tê có thể gặp ở nhiều đối tượng. Người mắc thường có cảm giác như kim châm hoặc như kiến bò ở tay và chân. Vậy tê bì chân tay là bệnh gì, nguyên nhân do đâu và có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Triệu chứng tê tay chân
Bệnh nhân có thể gặp một trong các tình trạng sau:
- Cảm giác tê cánh tay rồi lan dần xuống các ngón tay, râm ran như kiến bò. Có thể kèm theo đau vai gáy.
- Chân tay như bị kim châm.
- Một số trường hợp tê vào ban đêm khi đi ngủ. Bệnh nhân bị mất cảm giác ở tay, chân.
- Bị chuột rút ở tay hoặc chân.
- Cảm giác tê buốt ở cẳng chân, cổ chân, tê buốt cánh tay.
Nguyên nhân tê bì tay chân
Bị tê tay chân là bệnh gì là thắc mắc của nhiều người có triệu chứng tê bì chân tay. Để hiểu được điều này phải biết nguyên nhân gây ra hiện tượng tê bì. Một số nguyên nhân gây tê bì chân tay phổ biến đó là:
- Do lưu thông máu trong cơ thể kém: gây thiếu dinh dưỡng cho mô, gây ra tê bì. Một số nguyên nhân như: xơ vữa động mạch, co giãn mạch máu, do có sự chèn ép lên mạch máu khiến máu lưu thông kém.
- Do thiếu vitamin và khoáng chất: Thiếu vitamin B12 có thể làm ảnh hưởng tới các dây thần kinh, gây ra viêm hoặc suy yếu. Chính vì vậy nhiều người có cảm giác tê ở chân hoặc tay. Ngoài ra tê bì chân tay cũng có thể gây ra bởi sự thiếu hụt Kali hoặc Magie.
- Viêm khớp, viêm đa khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm: đều gây tê bì chân tay.
- Hẹp ống sống: cột sống bị biến dạng hoặc thu nhỏ, làm các rễ thần kinh bị chèn ép. Do đó người bệnh hay bị tê chân tay.
- Viêm đa rễ thần kinh: thần kinh ngoại biên bị tổn thương gây ra hiện tượng chân tay tê bì.
- Tê bì chân tay không do bệnh lý: chân tay tê bì khi người bệnh nằm, ngồi hoặc hoạt động sai tư thế. Trường hợp đứng quá lâu, khoanh chân quá lâu cũng gây tê. Trường hợp này chỉ cần nghỉ ngơi hoặc đổi tư thế thì sẽ giảm tình trạng tê bì. Ngoài ra tê bì chân tay cũng có thể xảy ra khi thời tiết thay đổi đối với một số người nhạy cảm.
Tê chân tay có để lại biến chứng không?
Nhiều người chủ quan, không đi khám và cũng ko tìm hiểu tê bì chân tay là bệnh gì, gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Cảm giác tê bì khó chịu, đôi khi kèm đau nhức ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh mệt mỏi, vận động khó khăn, chán ăn, giảm chất lượng giấc ngủ, … Từ đó sức khỏe giảm sút.
- Một số biến chứng nặng nề: teo cơ, liệt chi, đại – tiểu tiện không tự chủ, …
- Trường hợp tê bì chân tay do bệnh lý nếu không điều trị sớm có thể khiến bệnh tiến triển nặng. Chẳng hạn dấu hiệu tê bì do lưu thông máu kém ko phát hiện sớm có thể dẫn đến tắc mạch, đột quỵ. Một số trường hợp dẫn đến các khối u, ung thư, … nguy hiểm tới tính mạng.
Điều trị bệnh tê bì chân tay
Việc điều trị tê bì chân tay còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đối với tê bì chân tay sinh lý thì chỉ cần thư giãn, thay đổi tư thế hoặc thói quen, bồi bổ sức khỏe. Đối với tê bì chân tay bệnh lý, cần điều trị bệnh lý gây ra tình trạng này. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân chính xác. Bên cạnh đó việc điều trị triệu chứng cũng được áp dụng để nhanh chóng cải thiện cho người bệnh.
Một số thuốc điều trị triệu chứng:
- Thuốc giảm đau chống viêm không Steroid (NSAID): Celecoxib, Ibuprofen, Naproxen, Aspirin … Các thuốc này được dùng trong trường hợp dây thần kinh bị viêm, bị chèn ép. Giúp cải thiện tình trạng viêm, giảm tê tay chân.
- Thuốc Corticosteroid: chống viêm, giảm tê do viêm khớp, viêm đa xơ cứng. Việc dùng thuốc này cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ một cách chặt chẽ.
- Thuốc chống trầm cảm: dùng trong trường hợp tê chân do đau cơ xơ hóa
- Thuốc giảm đau thần kinh Gabapentin: giảm tê chân do đa xơ cứng, đau cơ xơ hóa. Hoặc dùng trong trường hợp trường hợp tê bì do đau thần kinh tiểu đường hoặc đau thần kinh ngoại biên.
Việc dùng các thuốc này cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không nên tự ý sử dụng.
Phòng ngừa hiện tượng tê bì chân tay
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể tránh được tình trạng tê bì chân tay sinh lý và bệnh lý. Chính vì vậy chúng ta nên lưu ý những biện pháp sau:
- Chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng giữa các nhóm chất. Nên bổ sung đủ khoáng chất và vitamin, đặc biệt là vitamin B12. Ưu tiên ăn rau xanh, hoa quả để bổ sung vitamin một cách tự nhiên.
- Tăng cường vận động để cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Việc tập thể dục thường xuyên có thể hạn chế được tình trạng lưu thông máu kém, dây thần kinh bị chèn ép, … Bên cạnh đó còn hạn chế các bệnh lý về khớp, đốt sống, … từ đó giảm nguy cơ bị tê bì chân tay.
- Tránh ngồi quá lâu một tư thế, tránh ngồi xổm, … Đối với người làm việc tĩnh tại như nhân viên văn phòng cần có thời gian đứng lên đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng.
- Khi bắt đầu có các bệnh lý về khớp, đốt sống, bệnh về mạch máu, cần tích cực điều trị. Có thể kết hợp dùng các sản phẩm từ thảo dược để cải thiện các bệnh này.
- Hạn chế rượu bia, thuốc lá. Vào mùa đông có thể sử dụng túi chườm nóng vào tay hoặc chân để tránh tình trạng tê bì.