Thời tiết quá oi bức, nắng nóng khiến cơ thể mất nước và ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể dẫn đến đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não.
Nắng nóng có ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ hay không?
Thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của chúng ta, nhất là khi trời quá nóng hoặc quá lạnh.
Trời càng nắng nóng, cơ thể của chúng ta càng mất nước nhiều. Mất nước ảnh hưởng đến các thành phần trong máu, làm cho máu đặc hơn. Tốc độ máu chảy trong lòng mạch giảm đi, tăng nguy cơ hình thành huyết khối, hay còn gọi là cục máu đông. Huyết khối thường xuất hiện trong tĩnh mạch, phổ biến nhất là huyết khối tĩnh mạch sâu. Huyết khối hình thành gây tắc mạch, từ đó dẫn đến đột quỵ. Nguy cơ tăng lên khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng trong thời gian dài, hoặc khi nhiệt độ cơ thể lớn hơn 40 độ C.
Khi thời tiết quá lạnh, chúng ta thường lơ là việc uống nước. Do đó, cơ thể dễ thiếu nước, cũng dẫn đến việc hình thành cục máu đông gây đột quỵ.
Bên cạnh đó, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh sẽ ảnh hưởng đến sự co giãn của mạch máu. Mạch máu giãn nở quá mức làm thay đổi huyết áp, tim phải hoạt động vất vả hơn. Do đó, những người có bệnh lý tim mạch, hoặc bệnh nhân lớn tuổi dễ đột quỵ khi thời tiết cực đoan.
Thời tiết có được xem như nguyên nhân gây tai biến mạch máu não không?
Đã có nghiên cứu cho thấy, khi tăng thêm 1 độ C, nguy cơ đột quỵ do xuất huyết tăng 24%, nguy cơ đột quỵ do thiếu máu não tăng 36%. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng đều làm tăng nguy cơ đột quỵ. Đồng thời nguy cơ đột quỵ cũng tăng lên vào lúc thời tiết thay đổi thất thường. Bởi sau đó nguy cơ giảm dần do cơ thể đã kịp thích nghi.
Thời tiết được xem là yếu tố thúc đẩy chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ.
Cách phòng tránh đột quỵ mùa nắng nóng
- Theo dõi dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh và bảo vệ cơ thể.
- Khi ra ngoài trời nắng cần mặc áo dài tay, đội mũ rộng vành. Nên mặc quần áo nhẹ và thoáng mát. Không nên ra khỏi phòng điều hòa để đi ra ngoài trời nắng một cách đột ngột.
- Không nên hoạt động thể lực quá mức dưới trời nắng nóng.
- Uống nhiều nước để tránh mất nước. Người hoạt động thể thao, lao động nặng cần bổ sung thêm điện giải. Trời nắng nóng, việc bổ sung thêm rau xanh, trái cây là rất cần thiết.
- Bật quạt hoặc điều hòa để làm mát cơ thể và không gian nơi ở. Nên để điều hòa 26 đến 28 độ C. Không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp vì dễ gây sốc nhiệt khi đi ra ngoài. Có thể làm mát nhà bằng cách che nắng, mở cửa thông thoáng.
Phòng tránh đột quỵ cho người cao tuổi:
- Không nên đi lại, làm việc từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vào ngày nắng nóng. Ra ngoài cần có mũ nón và mang theo nước.
- Người cao tuổi có bệnh tim mạch hạn chế ra ngoài nắng, không gắng sức khi mệt, khi khát hoặc đói ngoài trời nắng. Người có tiền sử đột quỵ cũng vậy.
- Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi không nên tắm ngay. Nên nghỉ ngơi khoảng 30 phút trước khi tắm.
- Cần theo dõi và kiểm soát các bệnh nền, nhất là huyết áp. Trời nắng nóng có thể khiến huyết áp tăng cao. Người tiểu đường, mỡ máu, béo phì, … cũng cần thận trọng theo dõi các chỉ số để phát hiện kịp thời những nguy cơ khi trời nắng nóng.
Ngoài ra chúng ta cũng cần kiểm soát các yếu tố khác như: tinh thần, chế độ sinh hoạt. Nên tránh xa rượu bia, thuốc lá. Nên khám sức khỏe định kỳ.
Dấu hiệu nhận biết để xử trí kịp thời
Đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức nếu phát hiện các dấu hiệu:
- Mặt bị méo, cười lệch, ăn đồ ăn bị rớt
- Một bên tay hoặc chân đột ngột yếu. Cầm đồ bị rớt, khó vận động
- Giọng nói bất thường, nói ngọng, bị dính chữ
Không nên để bệnh nhân nghỉ ngơi một mình, không nên cho ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. Và không nên để bệnh nhân tự điều khiển giao thông để đến bệnh viện.
Phân biệt đột quỵ với say nóng, sốc nhiệt
Đột quỵ và say nắng có nhiều triệu chứng khác nhau. Khi mới bị say nắng hoặc sốc nhiệt, người bệnh sẽ có các biểu hiện:
- Nóng, đỏ bừng mặt
- Khát nước
- Đau đầu, chóng mặt
- Say nắng hoặc số nhiệt ở mức độ nặng thì bệnh nhân có triệu chứng giống đột quỵ. Đó là: lúc lẫn, nói năng lẫn lộn. Nguy hiểm hơn có thể lơ mơ, hôn mê, tụt huyết áp, co giật, … Khi bị say nóng hoặc sốc nhiệt ở mức độ nhẹ, nên để bệnh nhân nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, có bóng râm. Nếu nặng cần đưa đến bệnh viện để kịp thời cấp cứu.
Thời tiết quá nóng hay quá lạnh chúng ta đều cần lưu ý theo dõi để tránh những vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe của mình